Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Hải Linh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô cho biết bộ tiêu chí phù hợp với quy hoạch Cô Tô đến 2030, tầm nhìn đến 2040; định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Cô Tô năm 2024. Trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững. Dịch vụ, du lịch chiếm tỉ lệ từ 65-70% cơ cấu kinh tế.
“Địa phương xác định, phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, tăng trưởng bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, cảnh quan, môi trường tự nhiên”, ông Hải Linh nói.
Định hướng phát triển này đang được nhiều đơn vị du lịch và người dân hưởng ứng, xem đó như một tiêu chí để tạo nên nét riêng có, đặc trưng của địa phương.
Ông Phạm Văn Đức – Giám đốc Công ty TNHH Khám phá Cô Tô, đơn vị chuyên tổ chức tour trải nghiệm, tham quan các đảo, lặn ngắm san hô - cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ bộ tiêu chí này bởi đó là một trong những yếu tố để phát triển bền vững. Thời gian qua, công ty đã xây dựng nhiều tour du lịch trải nghiệm gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường cho du khách”.
Theo đó, du khách rất hào hứng tham gia các trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường, nhiều đoàn còn yêu cầu đưa hoạt động nhặt rác vào hành trình trên đảo. Năm 2024 đơn vị này sẽ tiếp tục xây dựng các hoạt động nhặt rác, làm sạch biển cho du khách vào các tour du lịch, tiến tới sẽ trở thành một phần không thể tách rời trong các tour du lịch dài ngày trên đảo.